Nhà giáo - người truyền cảm hứng

Nhà giáo - người truyền cảm hứng

Đặng Trinh - Nguyễn Thuận - Lan Anh

Yêu thương, tận tâm với học trò, sáng tạo và không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều thầy cô đã "đốn tim" học sinh, tiếp thêm niềm đam mê học hành và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cho các em

Hình ảnh người thầy giản dị, có nước da ngăm đen, tóc đã bạc đều đặn mỗi sáng đúng 6 giờ 45 phút nở nụ cười tươi đứng đón học sinh (HS) trước cổng trường có lẽ không còn xa lạ gì với biết bao thế hệ HS và phụ huynh Trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP HCM).

"Thầy chào con", "Con ăn sáng gì rồi?"...

Đó là thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh. Hơn 7 năm chuyển công tác về trường là chừng ấy năm, thầy đứng đón từng HS mỗi sáng.

"Con chào mẹ đi", "Con ăn sáng gì rồi?"… là những câu hỏi giản dị của thầy Hùng mỗi sáng khi HS vừa bước chân vào cổng trường. Ngay cả khi HS chưa kịp chào thì thầy đã trìu mến: "Thầy chào con". Hình ảnh thật "lạ" nhưng lâu dần, phụ huynh và HS của trường lại thấy thân quen.

Thổi linh hồn vào ngôi trường là câu nói ví von của nhiều thế hệ HS khi nhắc đến thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng. Mỗi sáng đầu tuần, thầy đều tham gia sinh hoạt với HS, căn dặn các em không xả rác bừa bãi, đi đường nhớ đội nón bảo hiểm; biết yêu thương mọi người; phòng chống tai nạn, bệnh tật; tự chăm sóc bản thân… thông qua việc lồng ghép, kể những câu chuyện. Thầy hiệu trưởng còn quy định khi muốn gặp thầy, HS chỉ cần đến phòng gõ cửa 3 tiếng sẽ được đón vào và có thể trò chuyện bất cứ vấn đề gì. Phòng thầy hiệu trưởng cũng là phòng đọc sách nên HS ra vào rất thoải mái.

Trước khi về Trường Tiểu học Mê Linh, thầy Nguyễn Văn Hùng có thời gian công tác ở Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật với hơn 12 năm trong vai trò hiệu trưởng ngay khi ngôi trường này bắt đầu nhận dạy trẻ khuyết tật hòa nhập. Thời điểm mới tiếp xúc trẻ hòa nhập, thầy Hùng nhận ra có nhiều em "khuyết tật" là do sang chấn tâm lý từ chính cuộc sống, do cha mẹ ít quan tâm. Thầy tâm niệm tình yêu thương của người thầy có thể có sức mạnh hơn bất kỳ liều thuốc trị liệu nào, trở thành điểm tựa để trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống.

Thầy Nguyễn Văn Hùng trìu mến đón học trò mỗi sáng Ảnh: ĐẶNG TRINH

Thầy Hùng tâm sự, khi mới về Trường Tiểu học Mê Linh, sau khi ổn định tổ chức và cải thiện một phần về cơ sở vật chất, thầy nghĩ ngay đến việc sẽ đón HS ở cổng để tình thầy trò thêm gắn kết, quan trọng hơn là để các em cảm nhận được niềm vui khi mỗi buổi sáng đặt chân đến ngôi trường mình học. "Mỗi ngày các con đặt chân đến ngôi trường với niềm hứng khởi, được đón nhận những điều tốt đẹp nhất, bắt đầu bằng những việc như được thầy cô ra chào hỏi, đón vào trường" - thầy chia sẻ.

Được vị hiệu trưởng truyền cảm hứng, nhiều giáo viên Trường Tiểu học Mê Linh đã có những thay đổi tích cực. Mỗi buổi sáng, họ cùng nhau ra sân trường chào HS.

Vì sự cống hiến không mệt mỏi cho giáo dục, thầy Nguyễn Văn Hùng vừa được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020 - giải thưởng tôn vinh những nhà giáo cống hiến và nỗ lực.

Đánh thức đam mê học ngoại ngữ

Cô giáo Lê Hoàng Anh ở Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) là một giáo viên trẻ (SN 1987) truyền đam mê yêu thích tiếng Anh cho các thế hệ HS với phương pháp dạy học độc đáo. Chọn nghề giáo là cái duyên như được định trước, cô Hoàng Anh cho biết rất ngưỡng mộ hình ảnh những thầy cô tiếng Anh của mình từ thời phổ thông. Cô quyết tâm sẽ có ngày mình cũng sẽ đứng trên bục giảng "truyền lửa" niềm đam mê tiếng Anh như vậy.

Với nhiều thành tích giảng dạy nổi bật, cô Hoàng Anh cũng là giáo viên có phương pháp dạy học độc đáo. Chẳng hạn, đối với những cụm động từ tiếng Anh (phrasal verbs) hoặc những từ khó, cô thường chia sẻ với học trò là làm những lá thăm - một mặt là từ cần học, một mặt là giải thích. Khi HS bốc lá thăm nào thì nhìn mặt này và nêu nội dung mặt còn lại, như vậy các em sẽ thuộc và nhớ rất lâu những cụm từ cần học.

Cô Hoàng Anh đào tạo được rất nhiều học sinh giỏi với nhiều giải thưởng môn tiếng Anh Ảnh: ĐẶNG TRINH

"Tiết dạy của các thầy cô khi còn học ở phổ thông đã đánh thức lòng đam mê tiếng Anh trong tôi. Do đó, tôi ấp ủ ước muốn được như những thầy cô của mình, truyền ngọn lửa yêu thích tiếng Anh cho các thế hệ tiếp theo" - cô Hoàng Anh tâm sự. Cô cũng đưa ra lời khuyên muốn học tốt tiếng Anh thì hãy kiên nhẫn, bền bỉ và đừng bao giờ nóng vội.

Cô Hoàng Anh vừa qua đã xuất sắc cùng 6 giáo viên khác giành học bổng Fulbright Teaching Excellence and Achievement Program (Fulbright TEA). Đây là học bổng danh giá của chính phủ Mỹ.

Nâng đỡ trẻ thiệt thòi bằng sự yêu thương

Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM, cô Hoàng Thị Lương, quê Quảng Trị, tham gia giảng dạy ở trường mầm non tư thục thuộc huyện Bình Chánh. Năm 2005, khi mới 25 tuổi, cô nhận lời mời của người bạn và chuyển sang dạy tại Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP HCM).

7 giờ sáng mỗi ngày, lớp dạy kỹ năng cho HS từ 1 tuổi đến 8 tuổi của Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu mở cửa, cô Hoàng Thị Lương ra trước lớp đón từng em. HS đông đủ, cô Lương bắt đầu cho các em tập thể dục buổi sáng, điểm danh, trò chuyện để phát triển ngôn ngữ.

Cô Hoàng Thị Lương kiên trì dạy trẻ khuyết tật Ảnh: ĐẶNG TRINH

Khác với lớp dành cho HS bình thường, mỗi em ở đây đều khiếm thị và mang thêm nhiều khiếm khuyết: bại não, câm, khiếm thính, khuyết tật vận động, rối loạn tinh thần… Tất cả đều không có kỹ năng tự phục vụ những hoạt động sinh hoạt hằng ngày như lau mặt, uống nước, đi vệ sinh, mặc đồ… Để dạy được những học trò đặc biệt này, cô Lương phải hiểu thói quen, yêu cầu của từng em.

"Chính nụ cười lạc quan của trẻ làm tôi có động lực gắn bó lâu dài với nghề này, rồi yêu nghề lúc nào không hay. Tôi đến với trẻ khuyết tật là duyên nợ, sự đồng cảm giữa những khó khăn của đời người, không phải vì thương hại, vì vật chất" - cô Lương bộc bạch.

Cô Lương cho biết lúc mới về trường, cô phải tự mày mò học chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị) suốt vài tháng, rồi học định hướng đường đi. Những ngày đầu đứng lớp, cô đã bối rối, không thể kiểm soát lớp. Có ngày đi làm về hai tay bầm tím do các em thiếu kiểm soát cào cấu nhưng với sự kiên trì và quyết tâm, cô Lương đã giúp HS tiến bộ rất nhiều, có thể tham gia các hoạt động nhóm… Nhiều phụ huynh cảm động khi nhắc tới cô Lương vì sự tận tâm và yêu thương học trò của cô.

Với những đóng góp âm thầm, bền bỉ với HS, cô Hoàng Thị Lương vinh dự được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2020 và bằng khen của UBND TP HCM.

Gieo ý chí, nghị lực vươn lên

Dành trọn tâm huyết với công việc sau khi được phân công về dạy môn toán, dù chân bước đi không vững (bị teo cơ, gân yếu do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người cha tham gia chiến trường), thầy Nguyễn Đức Trường - Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên, Trường THCS Đa Tốn (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) - vẫn luôn nở nụ cươi tươi mỗi khi vào lớp, truyền cảm hứng học tập cho biết bao thế hệ học trò.

"Tìm tòi, chăm chỉ và luôn đầy ý chí vươn lên, thầy Trường không chỉ mang đến cho các học trò kiến thức mà còn rất nhiều bài học cuộc sống. Đó là tinh thần tự chủ, ý chí vươn lên, không khuất phục trước khó khăn" - thầy Nguyễn Đức Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Đa Tốn, nhận xét về đồng nghiệp.

Thầy Nguyễn Đức Trường trên bục giảng Ảnh: LAN ANH

Miệt mài tìm hiểu các phương pháp giải toán nhanh, gọn, bổ ích cho các HS, thầy Trường được đánh giá là một trong những giáo viên dạy giỏi, đứng đầu đội ngũ giáo viên của huyện Gia Lâm. Ở Trường THCS Đa Tốn, nhiều em được thầy Trường bồi dưỡng đã đoạt giải HS giỏi cấp huyện, cấp quốc gia và trong khu vực.

Nhiều năm liên tục, thầy Trường luôn đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục, được các cấp công nhận: 24 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố được xếp loại. Thầy còn biên soạn khoảng 30 cuốn sách về toán học nổi tiếng, là nền tảng kiến thức bổ ích, đồng hành với các em HS trong chương trình học.

Với sự nỗ lực của mình, thầy Nguyễn Đức Trường nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng, mới đây nhất là Giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" và danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020.

Nguồn: https://nld.com.vn/