Những ca khúc viết về thầy cô, mái trường đi cùng năm tháng

Những ca khúc viết về thầy cô, mái trường đi cùng năm tháng

Tuệ An

GD&TĐ - Những giai điệu tha thiết trong bài hát "Người thầy" của nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy, “Bụi phấn” do nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc hay ca khúc “Khi tóc thầy bạc” do NSƯT Trung Đức sáng tác… đã ăn sâu trong tâm khảm của biết bao thế hệ học trò.

Từ xưa đến nay, truyền thống tôn sư trọng đạo đã trở thành một nét đẹp văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Do đó, những ca khúc viết về thầy cô, mái trường luôn gây được ấn tượng mạnh đối với đông đảo mọi người, nhất là với thế hệ học trò đang ngồi trên ghế nhà trường khiến ai nấy cũng đều xúc động, nghẹn ngào.

Những giai điệu tha thiết trong bài hát "Người thầy" của nhạc sỹ Nguyễn Nhất Huy, “Bụi phấn” do nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc hay ca khúc “Khi tóc thầy bạc” do NSƯT Trung Đức sáng tác… đã ăn sâu trong tâm khảm của biết bao thế hệ học trò.

Bài hát “Người thầy”

Những gia điệu trong bài hát này chắc hẳn sẽ gợi lên trong lòng biết bao thế hệ học trò những hoài niệm đẹp đẽ, những tình cảm sâu lắng về một quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời.

Và đặc biệt, ca từ của bài hát đã khắc họa rõ nét hình ảnh “Người thầy”, hết lòng vì học trò thân yêu, thật đáng trân trọng: “Thấy vẫn đứng bên sân trường năm ấy… Dõi theo bước em bước em trong cuộc đời”.

Lời ca tuy ngắn nhưng thật cô đọng và da diết. Hình ảnh “người thầy” rất đỗi thân quen là những ký ức đẹp mà bất cứ ai cũng không thể quên.

“Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa

Từng ngày, giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy.

Để em đến bến bờ ước mơ,

Rồi năm tháng sông dài gió mưa,

Cành hoa trắng, vẫn lung linh trong vườn xưa.

Người thầy, vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa,

Dòng đời, từng ngày qua êm đềm trôi mãi,

Chiều trên phố bao người đón đưa,

Dòng sông vắng bây giờ gió mưa,

Còn ai nhớ, ai quên con đò xưa.

Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi,

Có hay bao mùa lá rơi.

Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng,

Sáng soi bước em trong cuộc đời.

Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi,

Vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai,

Thầy vẫn đi, buồn vui, lặng lẽ.

Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi,

Tóc xanh bây giờ đã phai,

Thẫy vẫn đứng bên sân trường năm ấy,

Dõi theo bước em bước em trong cuộc đời,

Dẫu đếm hết sao trời đêm nay,

Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi,

Nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy”.

Bài hát “Bụi phấn”

Gợi lên những ký ức đẹp không thể nào quên nơi bục giảng, "Bụi phấn" là bài hát quen thuộc nhất về người giáo viên mà bất kỳ ai cắp xách đến trường đều thuộc lòng.

Bài hát này được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Lê Văn Lộc, Bụi phấn nhanh chóng trở thành một trong những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam.

Giống như một bản nhạc thơ, Bụi phấn có lời ca ngắn với những âm điệu nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc. Mỗi khi những câu hát ấy vang lên, người nghe như sống trong khoảnh khắc của những ký ức xưa cũ, nhớ về những người thầy cũ, nhớ về một thời học sinh vô tư, hồn nhiên.

Những câu hát đem lại sự hoài niệm về một thời đã qua, thời của “có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào vương trên tóc thầy” - hình ảnh mà chỉ có những người học trò mới nhìn thấy và cũng chỉ có tới lúc chia xa, họ mới nhận ra nó đẹp tới nhường nào.

"Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi

Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng

Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy

Em yêu phút giây này

Thầy em tóc như bạc thêm

Bạc thêm vì bụi phấn

Để cho em bài học hay

Mai sau lớn lên người làm sao có thể nào quên

Ngày xưa thầy dậy dỗ

Khi em tuổi còn thơ

Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi

Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng

Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy

Em yêu phút giây này

Thầy em tóc như bạc thêm

Bạc thêm vì bụi phấn

Để cho em bài học hay

Mai sau lớn lên người làm sao có thể nào quên

Ngày xưa thầy dậy dỗ khi em tuổi còn thơ

Mai sau lớn nên người làm sao có thể nào quên

Ngày xưa thầy dậy dỗ khi em tuổi còn thơ."

Bài hát “Khi tóc thầy bạc”

“Khi tóc thầy bạc” là sáng tác của NSƯT Trung Đức - “cha đẻ” của chương trình Những bông hoa nhỏ nổi tiếng một thời. Ca khúc về đề tài thầy cô này cũng lọt top “50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20”.

Theo lời NSƯT Trung Đức, ông sáng tác ca khúc này vào những năm cùng gia đình tản cư vào vùng Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Người thầy đáng kính của ông là thầy Nguyễn Đăng Ninh, người có tầm định hướng và hiểu biết uyên thâm. Thầy cũng là người đã khuyến khích tác giả rất nhiều, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho ông phát huy khả năng…

Khi bạn bè là nhạc sỹ đề nghị muốn NSƯT Trung Đức viết về một hình ảnh người thầy, để tôn vinh Người giáo viên nhân dân, thì ông đã nhớ tới hình ảnh người thầy năm xưa và đã viết ca khúc này.

“Khi tóc thầy bạc tóc em vẫn còn xanh

Khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã lớn khôn rồi

Thời gian trôi nhanh mau

Cầu Kiều thầy đưa qua sông

Tuổi ấu thơ như hoa nở dưới mái trường

Một con đò sang ngang

Ôi lòng thấy mênh mang

Cho em biết yêu cánh cò trong câu ca dao

Cho em biết yêu bống trắng ăn cơm vàng của cô Tấm ngoan

và cho em yêu ai hai sương một nắng để làm nên luá vàng

Bài học làm người em vẫn nhớ ghi

Công cha ơn nghĩa mẹ ơn thầy”.

Bài hát “Mái trường mến yêu”

Với cuộc đời mỗi con người, quãng đời học sinh là quãng thời gian tuyệt vời, trong sáng và đẹp đẽ nhất. Quãng đời quý báu ấy của chúng ta sẽ luôn gắn bó với ngôi trường yêu dấu, nơi lưu giữ bao kỉ niệm đẹp đẽ về thầy cô, bạn bè.

Bài hát “Mái trường mến yêu” vô cùng quen thuộc với mọi lứa tuổi học trò. Đây là bài hát về thầy cô được sáng tác bởi nhạc sĩ Lê Quốc Thắng. Nhịp điệu của bài hát khá vui tươi và rộn ràng.Tuy nhiên nó cũng rất ngọt ngào, xúc động.

Những tháng ngày hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò với bao ước mơ không thể thiếu đi hình ảnh của người thầy.

“Ôi hàng cây xanh thắm dưới trường mến yêu.

Có loài chim đang hót âm thầm tựa như nói.

Vì hạnh phúc tuổi thơ và cho đời thêm sức sống.

Thầy dìu dắt chúng em với tấm lòng thiết tha.

Khi bình minh hé sáng phố phường con ngủ yên.

Khi giọt sương long lanh vẫn con đọng trên lá.

Thầy bước đến trường em mang 1 tình yêu ước mơ.

Cho từng ánh mắt trẻ thơ, cho từng khúc nhạc dịu êm.

Như thời gian êm đềm theo tháng năm,

Như dòng sông gợn đều theo cơn gió.

Mang tình yêu của thầy đến với chúng em.

Để dựng xây quê hương tương lai sáng ngời”.

Bài hát “Kỷ niệm mái trường”

Là một sáng tác của nhạc sĩ trẻ Minh Phương, Kỷ niệm mái trường từng giành giải nhất trong cuộc thi Tuổi đời mênh mông vào năm 2001. Lời ca của bài hát này là tâm sự của học sinh cuối cấp trong những năm tháng cuối cùng khi còn bên nhau dưới một mái trường.

Bao kỷ niệm từ ngày đầu tiên tới lớp với những tình cảm thân thương của bạn bè, thầy cô giờ đã sắp trở thành quá khứ. Rồi mai đây tất cả rồi sẽ trưởng thành và có những cuộc sống riêng, nhưng những ký ức tươi đẹp về mái trường, về thầy cô, về bạn bè sẽ mãi không thể phai nhòa.

“Ngày mai xa nhau rồi

Trường mến thương xa rồi

Hè về phượng buồn, tiếng ve cũng buồn

Nghe trong tim, sao thiết tha.

Ngày bé thơ còn nhớ

Ta dắt tay nhau tới trường

Vào trong lớp học mến thương bạn bè

Thầy cô thân yêu bao kỷ niệm, giờ đã qua.

Nào bạn ơi đến đây cùng nắm tay

Cho nỗi buồn xa cách ngắn lại

Mình bên nhau tình bạn mãi tươi sáng

Sẽ mãi mãi, không bao giờ phai.

Nào bạn ơi đến đây cùng hát vang

Cho những ngày buồn tan biến hết

Cho thầy cô, cho mái trường

Cho bạn và cho tôi...

Nào bạn ơi đến đây cùng nắm tay

Cho nỗi buồn xa cách ngắn lại

Mình bên nhau tình bạn mãi tươi sáng

Sẽ mãi mãi, không bao giờ phai.

Nào bạn ơi đến đây cùng hát vang

Cho những ngày buồn tan biến hết

Cho thầy cô, cho mái trường

Cho bạn và cho tôi...

Cho mình ta cho ước vọng

Sẽ mãi mãi được bên nhau”.

Nguồn: gioaducthoidai.vn