Xây dựng công chúng âm nhạc trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông

Xây dựng công chúng âm nhạc trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông

PGS.TS. Trịnh Hoài Thu (Photo: Quỳnh Anh)

Tác giả: Trịnh Hoài Thu

Trong nền giáo dục tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới, người ta đặc biệt quan tâm đến vai trò của giáo dục nghệ thuật (GDNT) nói chung, giáo dục âm nhạc nói riêng và sự tác động của nó đến sự hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của thế hệ trẻ. Nhiều loại hình nghệ thuật trong đó có âm nhạc đã được đưa vào nhà trường rất sớm từ bậc học mầm non đến phổ thông và cao đẳng, đại học với mục đích thông qua giáo dục âm nhạc để mang đến cho thế hệ trẻ những giá trị văn hoá tinh thần, làm phong phú tâm hồn, phát triển tư duy và năng lực thẩm mỹ giúp cho trẻ đến với chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, đồng thời, cũng từ việc giáo dục âm nhạc sớm cho trẻ để phát hiện bồi dưỡng tài năng âm nhạc cho các trường âm nhạc chuyên nghiệp cũng như định hướng nghề nghiệp cho trẻ sau này.

Ở nước ta, từ những năm 80 của thế kỷ XX, giáo dục âm nhạc cũng đã được giảng dạy tại các trường phổ thông bậc Tiểu học và Trung học cơ sở, tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan nên giáo dục âm nhạc trong các trường phổ thông thời gian đó còn rất mờ nhạt. Phải đến những năm đầu thế kỷ XXI, khi 2 môn học Âm nhạc và Mĩ thuật trở thành môn học chính thức, bắt buộc trong các trường Tiểu học và Trung học cơ sở Việt Nam, thì từ đó giáo dục âm nhạc cho nhà trường phổ thông mới thực sự có ý nghĩa và đóng vai trò tích cực vào mục tiêu giáo dục thẩm mỹ, giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh. Tuy vậy, giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở bậc Trung học cơ sở, còn bỏ ngỏ ở bậc Trung học phổ thông, bậc học mang tính hướng nghiệp cho học sinh, vì thế dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta. Bên cạnh đó, nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội đương đại.

Do đó, thực hiện Nghị quyết 88/2014-QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ giáo dục&ĐT đã biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình đã được ban hành theo Thông tư số 32/TT-BGD ĐT ngày 26/8/2018 của Bộ giáo dục và đào tạo. Và năm nay, năm học 2020-2021 sẽ là năm học đầu tiên triển khai CTGD phổ thông mới với lớp 1 ở nước ta. Có thể nói, môn âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông mới được tiếp cận theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Trong đó, nổi lên năng lực đặc thù là năng lực thẩm mỹ. Dạy học âm nhạc trong nhà trường phổ thông chính là giúp học sinh có khả năng cảm thụ cái đẹp của âm nhạc nói riêng, cái đẹp trong các loại hình nghệ thuật và trong cuộc sống nói chung. Học sinh phổ thông nếu được dạy học âm nhạc một cách nghiêm túc sẽ có khả năng phân biệt các thể loại âm nhạc, các dòng âm nhạc, trường phái âm nhạc cũng như các khuynh hướng âm nhạc đang hiện hành trong xã hội đương đại. Thông qua việc được giáo dục âm nhạc một cách cơ bản từ bậc học phổ thông (thậm chí sớm hơn từ bậc học mầm non), học sinh sẽ trở thành những công chúng âm nhạc được đào tạo bài bản.

Mỗi loại hình nghệ thuật đều có công chúng riêng, công chúng có hiểu biết và yêu thích loại hình nghệ thuật đó. Đối với lĩnh vực âm nhạc, công chúng âm nhạc hiện nay trong xã hội có rất nhiều sở thích khác nhau. Người thì thích nhạc dân ca, người thì thích nhạc cổ điển, người thích nhạc quần chúng phổ biến như: Pop, Rock, Jazz, Hip Hop, Country, hay âm nhạc điện tử với những thiết kế âm thanh (sound design) dựa trên công nghệ máy tính, ... Bên cạnh đó, công chúng âm nhạc còn có thể nghe và tiếp thu âm nhạc có chọn lọc. Ví dụ như: thích nhạc dân ca, cụ thể là dân ca quan họ Bắc Ninh, hay thích nghe hát chèo, thích nghe ca vọng cổ, thích nghe nhạc đỏ - nhạc cách mạng, thích nghe nhạc Trịnh, ...

Mặc dù có nhiều sở thích khác nhau, gu thẩm mỹ khác nhau, nhưng công chúng âm nhạc khi được giáo dục từ nhà trường phổ thông sẽ có được một nền tảng hiểu biết cơ bản thậm chí là nâng cao đối với góc độ thưởng thức nghệ thuật âm nhạc. Ngược dòng lịch sử, trong những năm đầu thế kỷ XX, khi âm nhạc châu Âu trở thành mốt thời thượng ở Việt Nam, từ việc lúc ban đầu không chấp nhận dòng âm nhạc mới lạ của phương Tây cho đến việc tò mò tìm hiểu về nó rồi đến yêu thích học tập biểu diễn, sáng tác âm nhạc mới này đã cho thấy tư duy của con người là thay đổi theo các chiều hướng khác nhau. Những người theo học ở trường Tây sẽ được học âm nhạc phương Tây mà chủ yếu là âm nhạc châu Âu từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Họ có được sự giáo dục cơ bản về âm nhạc châu Âu nên họ là những công chúng âm nhạc của dòng âm nhạc này. Đồng thời, từ sự đam mê âm nhạc trong giai đoạn học tập ở các trường phổ thông đã định hướng nghề nghiệp cho nhiều người đi theo con đường âm nhạc… Bên cạnh đó, cũng có những người chỉ đam mê với âm nhạc cổ truyền dân tộc và sáng tạo âm nhạc dân tộc thành những thể loại âm nhạc dân gian mới, ví dụ như sự ra đời của vọng cổ Nam bộ để dẫn tới sự hình thành và phát triển của âm nhạc đờn ca tài tử Nam bộ, sân khấu cải lương.

Trở lại với sự cần thiết của giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông, chúng ta cần phải rõ về mục tiêu, mục đích, quan điểm tiếp cận và vai trò của giáo dục âm nhạc. Về mục tiêu: giáo dục âm nhạc ở nhà trường phổ thông là giáo dục thẩm mỹ, giáo dục cho học sinh có năng lực về thẩm mỹ âm nhạc; Giáo dục âm nhạc ở nhà trường phổ thông không những đào tạo ra con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, mà ở góc độ hẹp về phương diện âm nhạc nó còn góp phần tạo nên con người có khả năng thực hành, biểu diễn, thưởng thức và phê bình âm nhạc. Đặc biệt là tạo nên những công chúng cho âm nhạc. Tùy sở thích cũng như sự am hiểu về các thể loại âm nhạc, các công chúng âm nhạc sẽ yêu thích thể loại âm nhạc này hơn thể loại khác. Tuy nhiên, công chúng âm nhạc có hiểu biết sẽ tôn trọng âm nhạc của các dân tộc khác, quốc gia khác, thể loại khác. Đó là những công chúng âm nhạc có văn hóa. Vì vậy, khi đề cập đến mục tiêu giáo dục âm nhạc ở nhà trường phổ thông, chúng ta cần hướng đến mục đích của giáo dục âm nhạc để làm gì? Mục đích giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông nhằm tạo nên công chúng âm nhạc có văn hóa, biết thưởng thức cái hay cái đẹp của âm nhạc, đồng thời, từ giá trị nghệ thuật của âm nhạc để hướng đến vẻ đẹp tâm hồn, sống thiện lương, xa rời cái ác. Chính vì thế nên trong giáo dục âm nhạc ở nhà trường phổ thông, nội dung giáo dục âm nhạc dân gian Việt Nam cần được quan tâm để giữ gìn và phát huy truyền thống âm nhạc của dân tộc, truyền thống văn hóa của đất nước và con người Việt Nam nói chung. Như vậy để thấy vai trò của giáo dục âm nhạc đại trà trong nhà trường phổ thông có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao dân trí và bồi dưỡng tài năng âm nhạc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, là tiếng nói của cảm xúc, của trái tim. Nếu chúng ta giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về âm nhạc đúng cách, chúng ta sẽ có được những trái tim biết yêu quê hương đất nước, yêu gia đình, yêu đồng loại; những trái tim biết rung động đồng cảm, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau và nhất là biết yêu cội nguồn dân tộc. Nếu không có những điều tốt đẹp đó thì con người với trái tim băng giá, vô cảm, thờ ơ và như vậy thì con người sẽ sống theo bản năng và phần “con” sẽ lấn át phần “người”. Nhớ lại câu chuyện của người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi, trong thời Lê sơ, khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi đã sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng làm loan giá, nhạc khí, dạy dân tập nhạc và múa. Nguyễn Trãi đã dâng sớ tâu rằng: “kể ra thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc…” (trích theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục âm nhạc có vai trò quan trọng như tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường. Chúng ta hy vọng rằng, môn âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đào tạo được những công chúng âm nhạc có văn hóa, có kiến thức âm nhạc, để các tác phẩm âm nhạc đích thực, truyền thống âm nhạc của mỗi dân tộc được nâng niu, tôn trọng.

Trong Đại hội nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X tôi xin kiến nghị với Ban chấp hành Hội khoá mới cần có sự quan tâm sâu sắc đến mảng giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông, thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của Hội, của các nhạc sĩ Việt Nam đối với việc giáo dục con người mới Việt Nam phát triển toàn diện, đào tạo công chúng và bồi dưỡng tài năng âm nhạc, để những tác phẩm âm nhạc thuộc dòng chính thống của các nhạc sĩ ra đời có người thưởng thức.

Tham luận Đại hội X Hội Nhạc sĩ VN

Nguồn: hoinhacsi.vn