Lược sử Âm nhạc Việt Nam.

Lược sử Âm nhạc Việt Nam.

Âm nhạc Việt Nam là một phần của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Âm nhạc Việt Nam phản ánh đúng những nét đặc trưng của con người, văn hóa, phong tục, địa lý,... của đất nước Việt Nam, trải dài qua suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ những nền văn minh đầu tiên qua những phát hiện khảo cổ về những nhạc cụ và tranh vẽ trong hang đá. Trải qua những triều đại phong kiến, nền âm nhạc Việt Nam có được những nét phát triển rõ rệt và đặc trưng. Tới thời kỳ đô hộ của Trung Quốc ngoài ra của các nền văn hóa ngoại lai khác như Ấn Độ, Chăm Pa,... Âm nhạc Việt Nam sớm có được những ảnh hưởng và quan điểm mới, dung hòa hoàn hảo những yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài với những nét nổi bật vốn có của âm nhạc truyền thống, từ đó tạo nên những loại hình âm nhạc cổ truyền của từng vùng miền như hát xẩm, hát chèo, ca trù, hò, cải lương, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, quan họ,...

Âm nhạc phương Tây xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 14. Giai đoạn Pháp thuộc vào cuối thế kỷ 19 đặc biệt góp phần giúp âm nhạc Việt Nam được tiếp xúc với những phong cách và quan điểm của văn hóa phương Tây, đồng thời tiếp tục phát triển với những nét đặc trưng riêng. Tân nhạc Việt Nam ra đời vào cuối thập niên 1930 với dòng nhạc tiền chiến rồi tiếp hơi cho những làn điệu mới trong thời gian đất nước chia đôi dưới hai chính thể: Việt Nam Cộng hòa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhạc đỏ ra đời sau năm 1945 ở miền Bắc với sự xuất hiện của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, sau này trở thành cột trụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, trong khi đó nhiều thể loại âm nhạc mới như nhạc vàng, nhạc trẻ, du ca nở rộ ở Miền Nam.

Sau năm 1975, âm nhạc Việt Nam bắt đầu học tập nhiều phong cách từ khắp nơi trên thế giới. Sau khi đất nước mở cửa vào cuối thập niên 1980, đặc biệt là việc những lứa nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên được cử đi du học ở nước ngoài, âm nhạc Việt Nam đã theo kịp xu hướng của thế giới, mang theo nhiều phong cách và thể loại chưa từng xuất hiện tới nền văn hóa đại chúng nói chung và nền âm nhạc nói riêng ở Việt Nam. Ngoài ra, một số lượng lớn nghệ sĩ hải ngoại cũng góp phần xây dựng đáng kể vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam ngày nay. Âm nhạc hiện đại Việt Nam bao gồm nhiều yếu tố kết hợp của các nền văn hóa châu Á, châu Âu, thậm chí châu Mỹ và châu Phi qua việc gia tăng cộng tác của các nghệ sĩ trong nước với các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Trên hết, âm nhạc Việt Nam vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam.

Lịch sử âm nhạc Việt Nam trải qua nhiều thời kì dài nên chia làm các giai đoạn chính sau:

  1. Thời kỳ vua Hùng và Bắc thuộc
  2. Thời phong kiến
  3. Thời cận đại
  4. Giai đoạn 1975 đến nay

 

1. Thời kỳ vua Hùng và Bắc thuộc

Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ nền âm nhạc dân tộc rất cổ xưa. Từ đời các Vua Hùng dựng nước và giữ nước, âm nhạc dân tộc thuộc về văn hóa đồng thau, mà trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa) là một hiện vật biểu trưng được biết đến cho đến tận ngày nay.

Đến thời bị Trung Quốc đô hộ, văn hóa đồng thau của ta dần được thay thế bằng văn hóa tri thức. Đây là thời kỳ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa Trung Hoa với các triều đại phong kiến như Hán, Tùy, Đường,... Sự xuất hiện của các loại nhạc cụ, nhạc khí mắc dây tơ như đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn nhị; các loại kèn, sáo làm bằng tre – trúc…

 

2. Thời phong kiến

Âm nhạc, với đặc điểm có trước sự xuất hiện của chữ viết, từ lâu luôn là phương tiện để người dân thể hiện mọi cảm xúc của mình về thế giới xung quanh, dù là tình yêu đôi lứa, lòng căm thù hay sự buồn giận, chán nản. Âm nhạc ở Việt Nam còn sớm thể hiện những tư tưởng tôn giáo, đời sống tâm linh và phong tục tập quán của dân tộc.

Vào thời phong kiến, âm nhạc Việt Nam là sự giao thoa và tiếp thu giữa các yếu tố âm nhạc lân cận ở Châu Á. Cộng thêm sự đa dạng về sinh học, nhiều dân tộc cư ngụ trên lãnh thổ cùng với những phát triển mở đất xuống phía nam đã tạo cho nền âm nhạc nước ta thời kỳ này mang nhiều sắc thái khác nhau.

Với chiến thắng Ngô Quyền năm 938 thì đất nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, phục hưng văn hóa dân tộc sau hơn 1000 năm bị phương Bắc đô hộ. Trải qua các thời đại Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, nền văn hóa dân tộc của ta dần được phục hồi và phát triển. Trong đó không thể không kể đến âm nhạc dân gian, vốn được nhà nước coi trọng, làn điệu dân ca thời kỳ này được chau chuốt hơn với thành phần âm phong phú, đã tạo nên tính chất trữ tình trong các diễn xướng dân gian và dân ca nghi lễ. Bên cạnh các loại hình nghệ thuật đã có từ thế hệ trước, cũng  những thể loại ca nhạc dân gian khác với đặc trưng riêng phong phú gồm:

  • Chèo

Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã không cho phép biểu diễn chèo trong cung đình, do chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Chèo trở về với nông dân, kịch bản lấy từ truyện viết bằng chữ Nôm. Tới thế kỷ 18, hình thức chèo đã được phát triển mạnh ở vùng nông thôn Việt Nam và tiếp tục phát triển, đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Những vở nổi tiếng như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Trương Viên xuất hiện trong giai đoạn này. Đến thế kỷ 19, chèo ảnh hưởng của tuồng, khai thác một số tích truyện như Tống Trân, Phạm Tải, hoặc tích truyện Trung Quốc như Hán Sở tranh hùng. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị trở thành chèo văn minh. Có thêm một số vở mới ra đời dựa theo các tích truyện cổ tích, truyện Nôm như Tô Thị, Nhị Độ Mai.

  • Xẩm

Theo truyền thuyết, đời nhà Trần, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù loà nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ Bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua vời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo chính sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử tên Đĩnh hay Toán. Thái tử con vua Thánh Tông tên là Khảm, sau lên ngôi là vua Nhân Tông; một người con nữa là Tả Thiên vương. Vì vậy nguồn gốc hát xẩm là dựa trên thánh tích chứ không truy được ra trong chính sử.

 

  • Quan họ

Ý nghĩa từ "Quan họ" thường được tách thành hai từ rồi lý giải nghĩa đen về mặt từ nguyên của "quan" và của "họ". Điều này dẫn đến những kiến giải về Quan họ xuất phát từ "âm nhạc cung đình", hay gắn với sự tích một ông quan khi đi qua vùng Kinh Bắc đã ngây ngất bởi tiếng hát của liền anh liền chị ở đó và đã dừng bước để thưởng thức ("họ"). Tuy nhiên cách lý giải này đã bỏ qua những thành tố của không gian sinh hoạt văn hóa quan họ như hình thức sinh hoạt (nghi thức các phường kết họ khiến anh hai, chị hai suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng), diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian.

  • Ca trù (Hát ả đào)

Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và học giả yêu thích.

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố phía Bắc. Hồ sơ đề cử Ca trù là di sản văn hóa thế giới với không gian văn hóa Ca trù trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Hò là một loại ca hát trình diễn dân gian phổ biến đến đời sống, là nét văn hóa của miền Trung và miền Nam, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng, diễn tả tâm trạng của người lao động. Trong sinh hoạt những đêm trăng những nhóm con trai đi chơi, thường cất lên những điệu hò để dò hỏi những cô gái về những công việc. Điệu hò giao duyên giữ hai bên đối đáp lại nhau, người con gái hay một nhóm sẽ hò đáp trả lại khi đó. Trên sông nước khi đi đò, người hò thường hò điệu giao duyên giữa hai chiếc đò gần nhau. Hò và lý tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với một động tác khi làm việc còn lý thì không.

Một số bài dân ca của các quốc gia khác hay các vùng miền khác có nội dung và tiết tấu tương tự cũng được đặt tên là "hò", tỉ như bài dân ca Nga "Hò kéo thuyền trên sông Volga".

Các loại hò phổ biến:

  • Hò Đồng Tháp
  • Hò kéo lưới
  • Hò Qua sông hái củi
  • Hò khoan
  • Hò mái nhì
  • Hò Giã gạo
  • Hò Xay lúa
  • Hò Kéo gỗ
  • Hò Đạp lúa
  • Hát chầu văn

Hát chầu văn là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn chau truốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan.

Chầu văn sử dụng nhiều thể thơ khác nhau như thơ thất ngôn, song thất lục bát, lục bát, nhất bát song thất (có thể gọi là song thất nhất bát gồm có một câu tám và hai câu bảy chữ), hát nói…

 

3. Thời cận đại

4. Giai đoạn 1975 đến nay

Xin xem bài “Lược sử Tân nhạc Việt Nam

 

Sưu tầm.

Nguồn: sites.google.com