Phương pháp Kodály

Phương pháp Kodály

Cuộc đời và sự nghiệp

Kodály Zoltán (1882 - 1967) là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Hungary. Ông còn là một chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc dân gian và giáo dục âm nhạc.

Kodály rất quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Ông đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách việc dạy nhạc trong trường học. Ông không chỉ mạnh mẽ chỉ trích những yếu kém của các chương trình dạy nhạc trong học đường mà ông còn mạnh dạn đưa ra nhiều chương trình giảng dạy mới cùng phương pháp mới, bên cạnh đó, ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc cho trẻ em. Ông nhấn mạnh rằng hệ thống giáo dục âm nhạc cần phải có giáo viên tốt hơn, có chương trình giảng dạy tốt hơn, và nhiều giờ học hơn dành cho âm nhạc.

Ngày nay phương pháp Kodály đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các nước có nền giáo dục âm nhạc tiên tiến như Mỹ và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, các nhà giáo dục đã phát triển thêm những phương pháp mới áp dụng trong việc dạy và học âm nhạc.

 

Triết lý sư phạm của phương pháp giáo dục âm nhạc Kodály

Bản thân Zoltan Kodály không sáng tạo ra các phương pháp truyền đạt và quy trình sư phạm, nhưng ông và các đồng nghiệp đã chọn lọc, kết hợp các phương tiện dạy học một cách khoa học, logic vào giáo dục âm nhạc.

Kodály tin rằng hoạt động âm nhạc là khả năng tự nhiên của mọi người. Ông khuyến khích ưu tiên sử dụng âm nhạc từ ngôn ngữ mẹ đẻ như lời ru, đồng dao, dân ca và trò chơi âm nhạc trong giáo dục âm nhạc cho trẻ em.

Giáo dục âm nhạc cho trẻ càng sớm càng tốt để phát triển khả năng âm nhạc, vốn tiềm tàng một cách tự nhiên trong mỗi đứa trẻ. Giọng hát, nhạc cụ tự nhiên của các em, là phương tiện diễn tả âm nhạc cần được ưu tiên phát triển trong giáo dục âm  nhạc.

Các công cụ giáo dục âm nhạc của phương pháp Kodály

  • Chuyển động nhịp điệu: Kodály đồng ý rằng chuyển động là một công cụ quan trọng để tạo ra nhịp điệu, một kỹ thuật lấy cảm hứng từ phương pháp Dalcroze. Phương pháp Kodály bổ sung thêm nhiều chuyển động như đi bộ, chạy, diễu hành và vỗ tay… được thực hiện trong khi nghe nhạc hoặc hát.
  • Xướng âm (solfège): dùng hệ thống nốt Đô di động (movable do). Với hệ thống này, tất cả các thang âm điệu thức trưởng-thứ đều được quy về thành hai giọng điệu Đô trưởng và La thứ. Điều này mang lại rất nhiều thuận lợi trong việc xướng âm cũng như việc tiếp cận nhận biết các nốt nhạc. Ngoài ra nó cũng giúp phát triển kỹ năng “phản xạ” khi âm nhạc chuyển điệu từ một giọng này (key) đến một giọng khác.
  • Xướng âm bằng dấu hiệu bàn tay (Hand Signs): Hệ thống này do Mục sư - Nhạc sĩ người Anh John Curwen sáng tạo ra vào thế kỷ 19. Mỗi âm trong hàng âm được ký hiệu bằng một dấu tay nhằm giúp trẻ em dễ nhớ các quan hệ cao thấp giữa các nốt cũng như quan hệ quãng giữa các âm cơ bản khi xướng âm hoặc tư duy âm nhạc. Ngoài ra, trẻ được tăng cường thêm một hệ thống tư duy biểu tượng kết hợp với tư duy âm thanh. Nhờ đó, các em đọc cao độ chính xác hơn.
  • Đọc tiết tấu và hình nốt theo âm tiết . Hệ thống này được tạo ra bởi nhạc sĩ người Pháp Emile Joseph Chevés ở thế kỷ 19. Mỗi giá trị nốt trong nhóm trường độ cơ bản được đọc bằng một âm tiết.
  • Âm nhạc dân gian: được xem là nguồn tài liệu chính trong hoạt động dạy học âm nhạc cho trẻ theo phương pháp Kodály. Ngoài ra, các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao trong lĩnh ca hát như hợp xướng, nhạc cổ điển…. của các nhạc sĩ danh tiếng cần được chọn lọc để dạy trong nhà trường.

Các bước dạy & học

Việc dạy âm nhạc theo phương pháp Kodály bao gồm ba bước: chuẩn bị, giới thiệu và thực hành.

Bước 1 - Chuẩn bị (preparation): cho học sinh trải nghiệm và cảm nhận các khái niệm, thành tố âm nhạc mới qua việc tham gia các hoạt động ca hát, nghe nhạc, vận động âm nhạc, chơi trò chơi, sử dụng nhạc cụ. Từ đó các em sẽ hình thành các khái niệm trong đầu.

Bước 2 - Giới thiệu (presentation): giáo viên sẽ giới thiệu và giải thích các khái niệm, thành tố âm nhạc cơ bản. Các em cũng được giới thiệu các biểu tượng liên quan như chữ tiết tấu, ký hiệu tay, …

Bước 3 - Thực hành (practice): có thể bao gồm nhiều hoạt động âm nhạc với nhiều đặc trưng khác nhau, giáo viên hướng dẫn học sinh trải nghiệm những điều đã giới thiệu ở trên với các bài thực hành như hướng dẫn đọc nhạc bằng ký hiệu tay, thay đổi cao độ theo thang âm. Sau khi đã hiểu và thực hành nhuần nhuyễn các bài tập, học sinh sẽ bắt đầu học các cách ứng tấu (improvisation) trên những nội dung mà các em đã được truyền đạt và thực hành.

 

Theo: Tiến sĩ Giáo dục Âm nhạc Phạm Kim