Để diễn xướng dân gian trở thành sản phẩm du lịch

Để diễn xướng dân gian trở thành sản phẩm du lịch

Bảo Thoa

(LĐTĐ) Khai thác các yếu tố văn hóa và nghệ thuật dân gian vào phục vụ du lịch là một trong những thế mạnh của Thủ đô Hà Nội. Những loại hình diễn xướng dân gian có thể trở thành hoặc đóng góp phần xây dựng nghệ thuật công cộng trong phát triển du lịch có thể kể đến chèo, quan họ, chầu văn, xẩm, ca trù, hát xoan, tuồng, hát trống quân, bài chòi, cải lương…

Thực tế là tại Hà Nội đã có khá nhiều nhà hát, chương trình tạo được dấu ấn, thương hiệu của mình như: Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội, các chương trình diễn xướng dân gian nằm rải rác tại các điểm du lịch, hay các sân khấu nhỏ trong Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận... Những chương trình này đã tạo được ấn tượng tốt đẹp, thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo khoa học "Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch", Tiến sĩ Trịnh Lê Anh – Chủ nhiệm bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích rằng, cấu trúc của diễn xướng dân gian dưới tiếp cận phát triển du lịch gồm nhiều phần.

Phần hát, nói là bộ phận đáp ứng nhu cầu về thính giác của khách du lịch. Những giai điệu, câu hát trong diễn xướng dân gian sẽ thu hút người nghe mà không cần họ hiểu nghĩa về những giai điệu này.

Phần diễn (kết hợp với hát, nói như một chỉnh thể thống nhất). Người nghệ sĩ vừa hát vừa diễn khiến khách du lịch cảm nhận rõ ràng hơn về diễn xướng dân gian. Đặc biệt, phần diễn bổ sung ý nghĩa cho phần hát, nói để khách du lịch không cần hiểu nghĩa câu hát nhưng vẫn hiểu được nội dung tiết mục.

Phần âm nhạc vừa liên kết, vừa hỗ trợ cho hai bộ phận nói trên, vừa là một chất xúc tác giúp tác phẩm thú vị hơn, cuốn hút hơn. Những giai điệu âm nhạc dân gian tạo ra điểm khác biệt để du khách luôn ghi nhớ, đặc biệt âm nhạc lại có sức lan tỏa lớn bởi nó không bị rào cản ngôn ngữ chị phối.

Cũng giống như phần âm nhạc, phần phục trang diễn xướng làm tăng sức hấp dẫn cho diễn xướng dân gian, làm thỏa mãn yếu tố tiếp cận thị giác của du khách. Những bộ trang phục đặc sắc của diễn xướng dân gian đóng vai trò cốt lõi tạo dấu ấn về văn hóa, bản sắc của Việt Nam với du khách quốc tế.

Theo các khái niệm đó, có thể hiểu diễn xướng dân gian là một phần quan trọng cấu thành nên nghệ thuật dân gian. Từ đó, bước đi của diễn xướng dân gian thành nghệ thuật công cộng trở nên gần gũi hơn. Bản thân nghệ thuật dân gian là kết tinh trí tuệ của cộng đồng từ xa xưa, nghệ thuật dân gian thường được trình bày trong không gian của cộng đồng, nghệ thuật dân gian thường được trình bày trong không gian cộng đồng tạo nên nó.

Những loại hình diễn xướng dân gian có thể trở thành hoặc đóng góp phần xây dựng nghệ thuật công cộng trong phát triển du lịch có thể kể đến chèo, quan họ, chầu văn, xẩm, ca trù, hát xoan, tuồng, hát trống quân, bài chòi, cải lương… bởi thỏa mãn các tiêu chí như đa dạng về không gian thể hiện; đơn giản trong cách thức thể hiện do thiết bị hỗ trợ đơn giản, thuận lợi trong quá trình biểu diễn; quy mô nhỏ do số lượng diễn viên, khán giả, những người hỗ trợ biểu diễn nhỏ; có tính tương tác cao với khán giả; nội dung đơn giản, dễ hiểu, trong trường hợp sử dụng ngôn ngữ thì không cần phiên dịch, biên dịch; tiếp cận đa dạng về mặt trực giác.

Những bộ trang phục đặc sắc của diễn xướng dân gian đóng vai trò cốt lõi tạo dấu ấn về văn hóa (ảnh minh họa: BT)

Tiến sĩ Trịnh Lê Anh cũng đưa ra những phân tích để diễn xướng dân gian có thể trở thành những dịch vụ phục vụ du lịch. Ví dụ như đối với diễn xướng quan họ, gói dịch vụ có thể gồm các làn điệu qua họ như hát đối đáp, giao duyên, mời trầu khách du lịch, quà lưu niệm có thể gồm khăn mỏ quạ, nón ba tầm, trầu têm cánh phượng.

Hát xẩm dễ dàng bài trí ở không gian công cộng bởi tính linh hoạt khi trình diễn, gói dịch vụ gồm bài xẩm vui nhộn, tăng tương tác với du hách bằng cách có thể để khách du lịch đàn nhị hoặc tập hát một số câu cơ bản.

Hát xoan là một loại hình kết hợp giữa hát và múa, gói dịch vụ có thể là các làn điệu xoan cơ bản, đặc biệt dàn dựng các tiết mục để khách du lịch có thể cùng trải nghiệm hát và múa cùng nghệ sĩ.

Các loại hình chèo, cải lương, tuồng… là các loại hình có tính sân khấu cao, mỗi tiết mục có nhiều nghệ sĩ tham gia trình diễn, các gói dịch vụ có thể gồm các trích đoạn nhỏ, dễ hiểu có nhiều động tác múa, giao tiếp bằng các trích đoạn ngắn, đơn giản, có nội dung thú vị, hài hước, trong hoảng thời gian từ 5-10 phút để du khách dễ dàng hiểu được nội dung mà không cần thông qua biên dịch, phiên dịch. Nghệ sĩ tương tác với khách trong các trích đoạn nói trên như thực hiện đóng những vai đơn giản, chụp ảnh cùng nghệ sĩ, có thể cải biên, thay đổi một số nội dung để dễ dàng đưa các loại hình này trở thành nghệ thuật công cộng.

Với một số loại hình như chầu văn hay ca trù cần phải xây dựng mô hình biểu diễn đặc biệt, phù hợp tại các không ggian đặc thù như đình làng, đền, phủ dành cho những khách du lịch có mong muốn trải nghiệm đặc biệt với loại hình nghệ thuật này.

Từ những phân tích trên có thể khẳng định rằng, các loại hình diễn xướng dân gian có thể trở thành nghệ thuật công cộng và phục vụ phát triển sản phẩm du lịch, nhưng không phái bất cứ loại hình dân gian nào cũng có thể trở thành nghệ thuật công cộng. Vì vậy, cần có một hệ tiêu chí để xây dựng diễn xướng dân gian thành nghệ thuật công cộng.

“Để có thể tối ưu hóa, đa dạng hóa các mô hình nghệ thuật công cộng – diễn xướng dân gian cần phải nghiên cứu và thử nghiệm các thay đổi, sáng tạo về không gian, trình diễn, nội dung theo hướng gia tăng tính linh hoạt, tính động trong biểu diễn, sự dễ dàng thẩm nhận về mặt trực giác, tính tương tác giữa người biểu diễn, phục trang, đạo cụ với người thưởng thức diễn xướng dân gian, chú ý đến những giới hạn của sự thay đổi, sáng tạo đó.”, Tiến sĩ Trịnh Lê Anh cho biết.

Nguồn: https://laodongthudo.vn/