Tiếng hát và sự chữa lành

Tiếng hát và sự chữa lành

Một buổi biểu diễn của các bạn trẻ ngay khuôn viên Nhạc viên TPHCM

KHÔI NGUYÊN THẢO

Sáng hôm kia, đi ngang qua Nhạc viện TPHCM, tiếng đàn tiếng hát níu chân tôi lại. Phía trong khuôn viên nhạc viện, những chàng trai cô gái trẻ trung đang “cháy” hết mình trên sân khấu của mình. Sân khấu là sảnh chính của ngôi trường họ theo học.

Buổi biểu diễn là lễ hội chào đón tân học sinh - sinh viên (có lẽ do ảnh hưởng dịch bệnh mà tới nay mới tổ chức), nhưng khán giả còn có nhiều người tình cờ ngang qua như tôi, còn cả các anh xe ôm công nghệ, bác vé số, chị bán hàng rong…

1. Tôi nhớ tới những buổi sáng khá lâu rồi, cũng có lần tình cờ gặp buổi biểu diễn ở ngay chỗ này và nhiều buổi biểu diễn tương tự ở trước sảnh Nhà hát Thành phố mỗi sáng cuối tuần.

Con trai tôi bị chậm phát triển, con của cô bạn tôi bị tăng động. Cô bạn lại rơi vào hoàn cảnh éo le hơn khi chia tay chồng, một mẹ một con ôm nhau rời Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp. Chúng tôi thường hẹn nhau đến trước nhà hát sáng cuối tuần để cùng bọn trẻ xem biểu diễn. Điều đặc biệt là cả hai thằng bé “siêu quậy” đều rất ngoan suốt buổi sáng, còn hai bà mẹ có nhiều vấn đề tâm lý không kém cũng nhờ đó có được những phút giây nhẹ lòng, thư thả. Mấy năm trước, vì xây dựng bến tàu điện ngầm, mấy năm nay vì ảnh hưởng dịch bệnh, những buổi biểu diễn trước Nhà hát Thành phố không còn nữa, nhưng thi thoảng có dịp đi ngang vào sáng cuối tuần, tôi vẫn ngoái nhìn, nhớ lại những buổi sáng âm nhạc cuối tuần cùng tháng năm vất vả mà tôi và cô bạn đã đi qua.

2. Cách đây không lâu, khi dạo chơi bên bờ biển Vũng Tàu, tôi dừng lại trước quán cà phê La vie En Rose - một quán cà phê nhạc sống khá lạ ở thành phố biển này.

Thay vì sân khấu ở trong quán như hầu hết quán cà phê nhạc sống tôi biết, thì sân khấu quán nhạc này lại hướng ngay ra đường. Vì thế mà ngoài khách uống cà phê có ghế ngồi, còn có nhiều khách dừng lại ghé ngồi vỉa hè bên này đường thưởng thức. Và không phải vì xem ké mà kém nhiệt tình, họ dừng lại rất lâu, nhún nhảy theo từng điệu nhạc và vỗ tay nồng nhiệt mỗi khi ca sĩ dứt tiếng hát. Trong số khách dừng lại bên vỉa hè, tôi để ý thấy người mẹ lớn tuổi ngồi xe lăn. Cô con gái đứng cạnh mẹ mình, họ cùng say mê theo từng điệu nhạc. Con gái tôi cũng nhìn họ.

Khi tôi nói: “Chắc bà mẹ ấy vui lắm vì được con gái yêu thương”, con bé nói: “Vì âm nhạc có khả năng chữa lành đó mẹ, nên không chỉ vui đâu, bà sẽ sớm mạnh khỏe”. Tôi bật cười: “Ai nói với Bống thế?”. Dĩ nhiên, tôi hiểu và không tin con bé 10 tuổi của mình tự nghĩ ra điều đó. Con bé kể, tuần vừa rồi, con học bài “Âm thanh”, cô giáo hỏi các bạn âm thanh phát ra từ đâu? “Một trong những nơi âm thanh phát ra là từ nhạc cụ - như cây đàn violin của bạn Bống”, cô dẫn chứng cho các bạn. Cô nói rằng, âm nhạc có tính chữa lành, giúp chúng ta yêu đời… Con bé nhắc tới một cô bạn ở Ấn Độ vừa chơi đàn vừa ca hát khi bác sĩ mổ não cho mình. Việc đàn hát trong hoàn cảnh đầy khó khăn ấy giúp cho cô bé tỉnh táo suốt ca mổ dài, phức tạp rất cần sự tỉnh táo của bệnh nhân. Ca mổ của bác sĩ thành công có lẽ nhờ một phần không nhỏ từ nghị lực phi thường của bé, từ tiếng đàn, tiếng hát đặc biệt của bé. Sau khi biết về những bệnh nhân chơi đàn khi nằm trên bàn mổ, con bé hồn nhiên nói về ước mơ của mình: “Trở thành bác sĩ biết chơi đàn để có thể vừa giúp bệnh nhân chữa bệnh, vừa chơi đàn cho bệnh nhân nghe để mau khỏi bệnh”. Dù hơi buồn cười và xa vời, nhưng với tôi, đó vẫn là ước mơ đẹp của cô nhỏ.

3. Lại nói về buổi biểu diễn đặc biệt của sinh viên, học sinh nhạc viện mà tôi vô tình làm khán giả hôm kia. Tôi nghe một bạn trẻ hát Ngày chưa giông bão - một ca khúc tôi rất thích bởi giọng hát đầy ám ảnh, cảm xúc của Tùng Dương, Bùi Lan Hương mà tôi không nghe ai hát khác ngoài 2 ca sĩ này. Nhưng bạn biết không, nhìn quanh mình lúc ấy, dưới hàng me xanh ngọt, các anh xe ôm công nghệ, chị bán vé số cùng hòa mình trong bầu âm thanh mà các bạn trẻ vô tình trao tặng…, bất giác nước mắt tôi rơi khi giọng hát đầy cảm xúc của cậu sinh viên ngân cao. Đó cũng là lúc tôi nghĩ tới những buổi chiều âm nhạc thứ bảy bên Bến Bạch Đằng mình mới đọc trên báo, chưa có dịp ghé qua; cũng là lúc tôi nghĩ tới những “bữa tiệc âm nhạc” cho người thành phố mà tôi và cô bạn cùng đưa 2 cậu con có vấn đề tâm lý ghé qua…

Thành phố của tôi, những khó khăn dịch bệnh đã và đang còn đó, nhưng đâu đó trên phố phường này, âm nhạc vẫn ngân lên sự kỳ diệu của mình, góp phần chữa lành - nói theo cách bạn Bống học được từ bài học của cô giáo - bằng sự ngọt ngào, thiết tha của âm thanh và tâm hồn. Và chữa lành cho cả những gia đình vốn có những vấn đề mà chưa chắc họ đã chia sẻ được cùng ai…

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/