Lần đầu tiên trống chèo được dùng trong dàn nhạc giao hưởng

Lần đầu tiên trống chèo được dùng trong dàn nhạc giao hưởng

Nhà báo Tình Lê

Bản 'Vũ điệu Chèo và Lên đồng' của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sẽ biểu diễn lần đầu tiên vào 12/11/2022 tại phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ngày 12/11 tới đây, đêm nhạc Hiện đại và Cổ điển sẽ diễn ra tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đêm nhạc đặc biệt ở chỗ, sau khi nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc ra mắt tác phẩm cho Hợp xướng Acappella Thính phòng và Giao hưởng, dàn nhạc giao hưởng Hà Nội sẽ chơi các tác phẩm trong cuốn sách này. Tất cả các tác phẩm in trong sách cuốn sách mới xuất bản đã được biểu diễn ở trong và ngoài nước nhiều lần (trừ tác phẩm Vũ điệu Chèo và Lên đồng tác giả viết xong thì dịch Covid-19 và chưa có điều kiện biểu diễn).

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cho biết tại đêm nhạc này, lần đầu tiên trống đế của Chèo được chơi như 1 soloist trong dàn nhạc giao hưởng gồm 80 người với chỉ huy là nhạc trưởng Maestro Wojciech Czepiel đến từ Ba Lan, đây thực sự là niềm tự hào. Với bản Vũ điệu Chèo và Lên đồng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc sử dụng các làn điệu Chèo: Con gà rừng, Xẩm xoan, Cách cú, Hề mồi, Bình thảo, Lưu không, với Chầu văn là Dọc Cờn Xá.

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh miền Bắc với trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là Chèo.

Lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các Tín ngưỡng Mẫu ở Việt Nam. Âm nhạc trong Lên đồng gọi là Chầu Văn có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới.

“Đây là hai thể loại nghệ thuật tinh hoa của Việt Nam, của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc đưa hai loại hình nghệ thuật này vào dàn nhạc giao hưởng là sự nỗ lực rất lớn của những người làm nghệ thuật trong việc bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật truyền thống rộng rãi với giới trẻ cũng như bạn bè thế giới”, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chia sẻ.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/