Phương pháp Dalcroze

Phương pháp Dalcroze

Phương pháp dạy học âm nhạc Dalcroze được sáng tạo tại Thụy Sĩ vào đầu thế kỷ 20 bởi Emily Jaques Dalcroze, một giáo sư ký xướng âm của Nhạc Viện Geneva.

Dalcroze Eurhythmics là gì?

Phương pháp giáo dục Dalcroze Eurhythmics giúp học sinh cảm nhận, tương tác, thấu hiểu và sáng tạo âm nhạc thông qua các hoạt động chuyển nhịp điệu và ngẫu hứng. Các khái niệm, phương thức thể hiện của âm nhạc cũng như tính kế thừa từ các môn nghệ thuật khác như múa, sân khấu kịch, body language giúp học sinh kết nối sâu sắc thể chất, tâm hồn trong một trải nghiệm vô cùng độc đáo.

Dalcroze là giáo sư về hòa âm và ký xướng âm tại Nhạc viện Geneva (Thụy Sỹ) vào năm 1892. Ông nhận ra rằng học sinh của mình không thực sự nghe được các hòa thanh khi chúng đang viết. Cũng như, chúng không cảm nhận được tầm quan trọng của nhịp điệu. Trong giờ học ký xướng âm (solfege), ông bắt đầu sáng tạo ra các trò chơi để phát triển kỹ năng nghe từ bên trong của học sinh (nghe thấy nhạc khi không có nhạc, đọc nốt nhạc cũng thấy nhạc vang lên trong đầu). Các trò chơi làm sâu sắc hơn hiểu biết của học sinh, được thể hiện ở những phản ứng hết sức nhạy bén của chúng với các yếu tố âm nhạc: tính thời gian, phát âm, chất lượng âm thanh, và phân đoạn. Dacroze để ý rằng học sinh sẽ thể hiện những chuyển động tự nhiên và tinh tế như lắc lư, dậm chân, vẫy tay trong khi hát. Toàn bộ cơ thể đều phản ứng và ý thức được sự chuyển động của âm nhạc.

Jacques Dalcroze – Cha đẻ của phương pháp Dalcroze Eurhythmics

Dalcroze tiếp tục phát triển từ những cử chỉ tự nhiên và bản năng đó. Ông yêu cầu học sinh đi bộ và vẫy cánh tay, làm động tác chỉ huy khi chúng hát hoặc khi lắng nghe ông biến tấu trên đàn piano. Ông gọi phương pháp dạy nhạc qua chuyển động là “eurhythmics”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “good flow” – dòng chảy hài hòa.

Dalcroze tiếp tục thử nghiệm với eurhythmics, giới thiệu phương pháp này tại Thụy Sỹ và các nước Tây Âu. Năm 1910, ông được mời đến Hellerau (Đức) để giảng dạy tại trường nhạc của anh em nhà Dhorn, những nhà công nghiệp người Đức. Hàng trăm học sinh đã sống và học tập tại Hellerau và nơi đây trở thành trung tâm nghệ thuật nổi tiếng toàn thế giới, hướng đến đào tạo phát triển con người toàn diện. Năm 1913, vở opera của Gluck có tên “Orpheus” được biểu diễn tại trường với sự chỉ huy của Dalcroze và màn solo của học sinh được đào tạo theo phương pháp eurhythmics. Màn biểu diễn là sự kết hợp của âm nhạc, chuyển động, ánh sáng và là kết tinh đỉnh cao của phương pháp này tại Hellerau. Ngôi trường sau đó đã phải đóng của do Thế chiến thứ nhất. Dalcroze trở lại Geneva, nơi Học viện Emile Jaques Dalcroze được thành lập vào năm 1915. Ngày nay, Học viện Dalcroze tại Geneva tiếp tục thu hút học sinh từ khắp nơi trên thế giới đến nghiên cứu về phương pháp giảng dạy âm nhạc thú vị này.

Trong một lớp Dalcroze Eurhythmics điển hình, học sinh sẽ đi chân trần và chuyển động theo các cách khác nhau – vận động khắp căn phòng, bằng cử chỉ của bàn tay, cánh tay, đầu, phần thân trên theo các nhóm hoặc một mình. Chuyển động của học sinh tương thích với âm nhạc đang sử dụng. Giáo viên có thể ngẫu hứng âm nhạc trên piano hoặc dùng các bản nhạc đã được thu sẵn. Học sinh thường được yêu cầu chuyển động trong một không gian nhất định theo những hướng dẫn của giáo viên về một đoạn hoặc bài nhạc cụ thể. Giáo viên điều chỉnh phần ngẫu hứng không chỉ theo quy luật và mục đích của bài tập mà còn tương tác với những phản hồi của học sinh. Học sinh sẽ hiểu biết, cảm nhận được bằng mọi giác quan những yếu tố của âm nhạc như tốc độ, cường độ, cấu trúc phân đoạn, phong cách, các bè giai điệu…

Toàn bộ cơ thể được huấn luyện trở thành một nhạc cụ đúng nghĩa, không chỉ là phương thức biểu hiện của Dalcroze Eurhythmics mà còn là phương tiện cảm nhận và thể hiện âm nhạc. Các chuyển động trong Dalcroze Eurhythmics không nhằm mục đích huấn luyện cơ thể  truyền đạt một bức tranh nghệ thuật múa tới khán giả mà đó là truyền đạt thông tin trở lại bản thân mình. Các chuyển động định hình một mạch thông tin và cơ chế phản hồi vận động liên tục giữa não bộ và cơ thể. Nhờ đó, qua thời gian, học sinh sẽ cảm nhận được sự chính xác, kĩ năng phối hợp và biểu diễn cải thiện đáng kinh ngạc.

Một buổi học với Dalcroze

Triết lí về học âm nhạc

Triết lý sư phạm của Dalcroze là sự kết hợp tinh thần, cơ thể, và cảm xúc là cội nguồn của tất cả các quá trình học tập. Người học âm nhạc cần phải thể hiện tính đặc trưng của âm nhạc bằng sự nhạy cảm và biểu hiện thông qua ngôn ngữ vận động, âm thanh, suy tưởng, cảm xúc và sáng tạo. Vì vậy Jacques Dalcroze tạo ra một phương pháp dạy-học âm nhạc thông qua sự trải nghiệm của các giác quan và trí thông minh bởi các phản ứng của cơ thể và hệ thống thần kinh (Farber & Thomsen, 2011). Dưới quan điểm, “Âm thanh đi trước kí hiệu” của Pestalozzi, phương pháp Dalcroze định hướng việc xây dựng các kỹ năng và kiến thức âm nhạc cho trẻ em thông qua sự khám phá về thời gian, không gian, và năng lượng bởi các vận động âm nhạc dựa trên các tác nhân về tiết tấu (rhythmic stimulus), (Campbell, 1991).

Các thành phần hoạt động âm nhạc cơ bản

Phương pháp Âm Nhạc Chuyển động Nhịp điệu Dalcroze (Dalcroze Eurhythmics), bao gồm ba hoạt động âm nhạc chính.

  • Đầu tiên là Ký xướng âm (Solfère). Dalcroze cho rằng phát triển khả năng nghe nhạc tiềm tàng trong mỗi con người là rất quan trọng. Mọi người làm âm nhạc phải có thể nghe và viết âm nhạc. Xướng âm (Solfège) sử dụng hệ thống do cố định (fixed-do như ở Việt Nam). Tuy nhiên, ký xướng âm được dạy theo cách kết hợp tiết tấu và vận động để phát triển khả năng nhạy cảm về cao độ, về mối tương quan âm điệu, và các nhân tố âm nhạc khác.
  • Thành phần thứ hai là sự Ứng Biến – Ngẫu hứng (Improvisation). Kỹ năng phát triển ngẫu hứng âm nhạc của trẻ được phát triển một cách logic trên nhiều cách. Ví dụ, giáo viên có thể đàn những mẫu âm nhạc với các tiết tấu cơ bản khác nhau trong khi học sinh nghe và phản ứng với các động tác ngẫu hứng dựa theo tính chất âm nhạc.
  • Thành phần thứ ba là bản thân các vận động nhịp điệu. Đây là thành tố cơ bản của phương pháp Dalcroze, được đánh giá quan trọng tương tự với hai thành tố ban đầu. Các vận động nhịp điệu phải thể hiện sự cân phương, vuông vắn về cấu trúc tiết tấu. Theo Dalcroze cả ba thành phần trên độc lập về mặt phương tiện diễn tả âm nhạc, nhưng phải được kết hợp chặt chẽ và có tính hệ thống trong quá trình dạy-học âm nhạc cho trẻ (Campbell, 1991).

Bài học âm nhạc

Bài học âm nhạc theo phương pháp Dalcroze được thiết kế gồm các hoạt động hay trò chơi âm nhạc tác động đến nhận thức tư duy cũng như vận động cơ thể của trẻ em. Trẻ học âm nhạc dự phần vào các hoạt động một cách tích cực. Từ những phản ứng về mặt cơ thể, trẻ sẽ cảm thụ âm nhạc bằng tư duy và tình cảm, để rồi nhận thức đến hình thành kinh nghiệm âm nhạc. Các trò chơi âm nhạc chú trọng đến khả năng phản ứng của trẻ trước sự thay đổi tiết tấu và nhịp điệu về mặt tốc độ (tempo), sắc thái (dynamic) và cấu trúc câu đoạn (phrase). Thông qua trò chơi, trẻ học cách điều chỉnh các vận động của cơ thể, vận dụng năng lượng hợp lý sao cho phù hợp với đặc tính âm nhạc mà các em nghe được. Sự sáng tạo trong vận động âm nhạc còn giúp các em phát triển cá kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ với nhau – hoặc giữa các nhóm học tập.

 

Tổng hợp từ internet

Nguồn:

- harmonymusic.vn
- tannhaccu.com.vn
- docsieutoc.com
- dalcrozeusa.org
- Powers Music School