"Nhái" phong cách

"Nhái" phong cách

Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh: CHÂU XUYÊN.

HÀM ĐAN

Dù có năng khiếu thiên bẩm cỡ nào đi nữa, văn nghệ sĩ bước chân vào con đường sáng tạo ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của những người đi trước. Đó là quy luật tất yếu, nhất là ở thời buổi dung nạp tất cả hình thức, nội dung sẵn có rồi tái tạo làm mới đang được cổ xúy trở thành thứ mốt thời thượng.

Toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” càng khiến cho việc tiếp biến trong sáng tạo văn nghệ xảy ra ngay tức thì. Một bài hát, một điệu nhảy ra đời cách nửa vòng trái đất, sau vài phút tung lên ứng dụng chia sẻ sẽ có ngay bản phối lại, hát lại, nhảy theo tràn ngập trên mạng xã hội ở nước ta. Áp lực của sản phẩm văn hóa phải mang lại hiệu quả kinh tế buộc nghệ sĩ nhanh chóng chuyển mình theo xu hướng thịnh hành (trending) nhằm thu hút công chúng.

Chính những điều kiện khách quan và chủ quan tác động như những đợt sóng ào ạt khiến tâm trí nhiều nghệ sĩ trẻ ở nước ta khó có thể tĩnh lặng sáng tạo. Nhiều người cuống cuồng “nhái” theo phong cách nước ngoài để bắt kịp xu hướng, theo mốt mới lạ. Từ đó đời sống văn nghệ xuất hiện nhiều "rác": Trong thơ ca xuất hiện những từ ngữ thô tục; nghệ sĩ... tụt quần ngồi trong nhà vệ sinh trong một tác phẩm sắp đặt của nghệ thuật thị giác; nghệ thuật biểu diễn là những điệu nhảy gợi dục trong những bộ trang phục phản cảm... Những nghệ sĩ này sau đó tự vỗ ngực gọi những tác phẩm của mình là "cách tân, đổi mới" để câu kéo công chúng. Nhưng đáng nói là một số nhà phê bình có bằng cấp đầy mình lại đi "hà hơi tiếp sức" cho những sáng tạo phi lý, phản cảm, rồi mạnh miệng chê bai những sáng tạo trước đây là lỗi thời.

Nếu chúng ta bình tâm tìm hiểu sẽ thấy những xu hướng sáng tạo ở nước ngoài được xuất phát từ điều kiện lịch sử-văn hóa-xã hội và lối tư duy khác biệt. Họ có lý do sáng tạo để phù hợp với thị hiếu công chúng của nước họ. Như chuyện nghệ sĩ nước ngoài thích phô bày cơ thể, da thịt là xuất phát từ nguồn gốc văn hóa du mục, đề cao tính cách cá nhân và trải qua cuộc “cách mạng tình dục” hiện đại. Dân tộc Việt có lối sống của xứ sở văn hóa nông nghiệp, tâm tính con người kín đáo, không thích phô trương. Thế nên, dễ hiểu vì sao những sáng tạo tự xưng mới mẻ, bắt chước vội vã chỉ một thời gian ngắn lập tức bị quên lãng, đơn giản vì không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nếp sống tinh tế của con người Việt Nam.

Cốt lõi tiếp biến văn nghệ vẫn là tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nước ngoài, kết hợp với những giá trị truyền thống để sáng tạo nên những tác phẩm mới mẻ, phù hợp với công chúng Việt Nam. Trước khi nước nhà độc lập, những bức tranh tuyệt tác “Thiếu nữ bên hoa huệ” (Tô Ngọc Vân), “Em Thúy” (Trần Văn Cẩn) chịu ảnh hưởng chủ nghĩa lãng mạn châu Âu nhưng sâu xa vẫn thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam, vì thế những tác phẩm đó đã trở thành những bảo vật quốc gia, làm say lòng bao lớp công chúng. Sự kết hợp thành công giữa tính hiện đại và tính dân tộc không phải là phép cộng đơn giản. Muốn thành công đòi hỏi phải có một quá trình nghiền ngẫm, suy tư nghiêm túc trên cơ sở hiểu biết sâu sắc văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Đó là bài học của những nghệ sĩ lớn đồng thời là trí thức lớn để lại cho thế hệ nghệ sĩ hiện nay.

Công chúng luôn cổ vũ văn nghệ sĩ có tinh thần đổi mới và không chấp nhận thái độ hẹp hòi, “bế quan tỏa cảng” trong giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Một bộ phận công chúng ban đầu có thể bị hấp dẫn bởi những tác phẩm “ồn ào” nhất thời; nhưng phần lớn công chúng đủ tinh tường để nhận biết đâu là tác phẩm kết tinh từ lao động nghệ thuật chân chính, đâu là những sản phẩm “nhái” sản xuất hàng loạt. Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật nào chứa đựng các giá trị chân-thiện-mỹ sâu sắc, đồng hành cùng dân tộc do những văn nghệ sĩ "đổ mồ hôi sôi nước mắt" sáng tạo nên mới tồn tại lâu bền trước sự đào thải khắc nghiệt của thời gian.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/