Vai trò người thưởng thức trong sinh hoạt âm nhạc

Vai trò người thưởng thức trong sinh hoạt âm nhạc

Tác giả: Lê Hải Đăng

Cùng với sự đi lên của xã hội thị trường, sức tác động và những ảnh hưởng của người thưởng thức đối với lĩnh vực âm nhạc ngày càng gia tăng, thậm chí góp phần định hình xu hướng thẩm mỹ. Song song với nó, sự tham gia của nhóm đối tượng này trong sinh hoạt âm nhạc lại tỏ ra mờ nhạt. Nói cách khác, có một sự đối tỉ giữa khả năng tạo áp lực về mặt nhu cầu và mức độ tham gia trực tiếp của người thưởng thức trong sinh hoạt âm nhạc. Một mặt, người thưởng thức tác động vào lĩnh vực âm nhạc thông qua nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu thẩm mỹ, mặt khác, có một sự thoát ly giữa người thưởng thức và sinh hoạt âm nhạc với tư cách “đồng sáng tạo”. Ở vị trí trọng yếu này, vai trò của người thưởng thức hoàn toàn suy giảm, mờ nhạt, thậm chí biến mất.

Ngược về quá khứ, chúng ta có thể tìm ra dấu vết người thưởng thức in đậm trong sinh hoạt âm nhạc, như ở Ca trù, một loại hình âm nhạc truyền thống của người Việt Bắc Bộ, người thưởng thức thể hiện vai trò của mình qua việc bình xét, tham gia trực tiếp vào buổi biểu diễn. Chúng ta biết, quan viên chính là nhân vật đóng vai trò cầm cân nảy mực, thể hiện mức độ quyền uy bằng cách tham gia vào quá trình sáng tạo – biểu diễn – thưởng thức của nghệ thuật Ca trù. Thông qua tiếng trống (chầu), quan viên có khả năng đánh giá, bình phẩm tài năng của đào nương. Trong cơ cấu bộ ba, gồm: đào nương, kép đàn, quan viên, hai nhân vật đầu (đào nương và kép đàn) đều là nghệ sĩ, chỉ có quan viên đóng vai trò thưởng thức. Nhưng, nhân vật này không thưởng thức một cách thụ động mà chủ động tham gia vào quá trình sáng tạo – biểu diễn – thưởng thức (hiểu là thưởng thức sự sáng tạo và biểu diễn), đông thời bằng hình thức khen chê, bình phẩm, đánh giá… góp phần tạo nên điểm nhấn cho buổi biểu diễn và sinh hoạt âm nhạc. Nói theo ngôn ngữ thời thượng, quan viên thưởng thức Ca trù bằng tư duy “phản biện”. Cách thức “phản biện” thể hiện qua nhịp cầu trừu tượng của ngôn ngữ âm nhạc (tiếng trống chầu), đồng thời lồng ghép vào buổi sinh hoạt.

Từ lâu, trống chầu đã trở thành thành viên chính thức trong cơ cấu bộ ba, gồm: đào nương, kép đàn và quan viên, hiểu là một tổ chức với kết cấu ổn định trong nghệ thuật Ca trù. Như vậy, người thưởng thức chính thức tham gia vào quá trình sáng tạo – biểu diễn – thưởng thức nghệ thuật. So với cách thức tham gia của khán thính giả ngày nay, chúng ta thấy có sự khác biệt hay thay đổi rõ rệt giữa người sáng tạo, biểu diễn và thưởng thức. Mức độ tham gia, hội nhập của người thưởng thức đã thay đổi căn bản trong sinh hoạt âm nhạc. Người thưởng thức đương đại có thể tán thưởng người sáng tạo, biểu diễn bằng hiện kim (điều này trong quá khứ đã xảy ra), vật chất, nhưng lại thiếu tính gắn kết, tham gia trong sinh hoạt văn nghệ. Nói cách khác, mối quan hệ giữa người thưởng thức và người sáng tạo chuyển hóa sang mối quan hệ xã hội, thay vì tập trung vào lĩnh vực nghệ thuật. Từ tính chất lỏng lẻo trong mối quan hệ tương hỗ giữa người sáng tạo, biểu diễn và người thưởng thức khiến cho nghệ thuật có lúc đi theo khuynh hướng tiêu dùng, tiêu khiển, giải trí thuần túy. Tất nhiên, với tính chất sáng tạo, con người ngày nay hoàn toàn có thể tái cơ cấu hình thức tham gia của người thưởng thức và biểu diễn thành những loại hình giải trí thời thượng nhằm thu hút sự tham gia của đại chúng, như các trò chơi âm nhạc, game show trên truyền hình: hát cùng ngôi sao, hát với thần tượng, trò chơi âm nhạc, hát cho nhau nghe... Bên cạnh đó còn có hiện tượng ca sĩ chuyên nghiệp hát mấy câu rồi hướng micro về phía khán thính giả để họ hát tiếp vài câu trong những ca khúc quen thuộc nhằm tạo sự tương tác đa chiều hoặc gây thiện cảm. Đó cũng là cách thể hiện mức độ tham gia của khán thính giả, nhưng dừng lại ở dạng đơn giản, chưa đạt tới mức độ thâm nhập, hiểu là cùng sáng tạo.

Ca trù vốn là loại hình nghệ thuật cổ điển, mang tính quy phạm, khắt khe về nguyên tắc. Nên người thưởng thức đa số xuất thân từ giới trí thức, những người có trình độ học vấn, văn hóa, thơ ca, âm nhạc nói chung. Song, một loại hình nghệ thuật thuộc tầng lớp bình dân phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là chèo cũng cho thấy, người thưởng thức tham gia vào quá trình biểu diễn một cách chủ dộng, tích cực, đầy sáng tạo. Hình thức đơn giản nhất thể hiện sự tham gia của người thưởng thức trong nghệ thuật chèo là tiếng “đế”. Tiếng đế là lời nói của khán thính giả sản sinh trong quá trình tương tác với diễn viên trên sân khấu. Từ tiếng đế trong nghệ thuật chèo đi vào sân khấu múa rối nước tạo nên những màn đối thoại dí dỏm, hài hước, đầy sức hấp dẫn khiến cho tình tiết câu chuyện phát triển một cách sinh động, linh hoạt, tăng thêm khả năng sáng tạo. Sân khấu nghệ thuật truyền thống nhiều khi là một không gian mở, như chiếu chèo đặt giữa sân đình… chẳng hạn. Sự tham gia của khán thính giả góp phần tạo nên tính tổng hợp, không khí sinh động, bất ngờ, gây hưng phấn, hứng thú cho cả người diễn và người thưởng thức. Nếu buổi biểu diễn tập trung những tiết mục độc diễn xoay quanh diễn viên, nghệ sĩ, trong nhiều trường hợp đã thể hiện mức độ thụ động của người thưởng thức, đồng thời kéo xa khoảng cách giữa diễn viên, nghệ sĩ và khán thính giả.

Vào đến đồng bằng Nam Bộ, qua sinh hoạt của loại hình âm nhạc cổ truyền có tuổi đời non trẻ là Đờn ca Tài tử cho thấy, vai trò của người thưởng thức gắn bó hữu cơ với người sáng tạo, biểu diễn. Nói cách khác, người thưởng thức cũng có thể tham gia biểu diễn, sáng tạo. Đối với loại hình sinh hoạt này, dường như không còn phân biệt giữa người sáng tạo, biểu diễn và thưởng thức. Trong nhiều trường hợp với không gian mở, tinh thần phóng khoáng của người phương Nam tạo nên nét văn hóa đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Đờn ca Tài tử có thể tổ chức tại tư gia, ngoài vườn hay tiệm hớt tóc… Người chơi có thể là người thân, quen hay xa lạ, miễn có chung tiếng nói đồng điệu qua ngôn ngữ âm nhạc. Xét theo chiều dọc, Đờn ca Tài tử Nam Bộ thừa kế thành quả văn hóa trong tiến trình lịch sử. Xét theo chiều ngang, không gian văn hóa Đờn ca Tài tử là vùng đất Nam Bộ với tính chất mở về tọa độ địa lý, cơ cấu dân cư phức hợp khiến cho loại hình âm nhạc này dung chứa nhiều yếu tố đa dạng, phong phú, trong đó có thái độ ứng xử của người tài tử. Việc khán thính giả đến từ đâu không quan trọng mà quan trọng là biết rõ quy tắc chơi Tài tử để có thể gia nhập không gian văn hóa. Đó cũng là lý do tại sao, sau khi Đờn ca Tài tử Nam Bộ hồi sinh đã phát triển nhanh chóng khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây và thành phố Hồ Chí Minh. Cách thức chơi (hòa đờn, hòa ca) trong Đờn ca Tài tử và thái độ ứng xử của dân tài tử chính là điểm hội tụ làm nên sức lan tỏa của bộ môn nghệ thuật này trong môi trường văn hóa.   

Tất nhiên, trong nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc biệt là những loại hình xuất thân từ môi trường tôn giáo, tín ngưỡng sau khi đi qua cung đình rồi bước lên sân khấu chuyên nghiệp, giữa khán thính giả và nghệ sĩ tồn tại khoảng cách nhất định. Đối với những loại hình nghệ thuật này, đường hướng phát triển và đối tượng tham gia có hướng đi riêng. Song, chúng ta đừng quên rằng, ngay vào thời kỳ hoàng kim của Chủ nghĩa âm nhạc cổ điển Viên, nhiều tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại như, Haydn, Mozart cũng sinh ra, phục vụ nhu cầu cho những buổi dạ tiệc. Rất nhiều tác phẩm của Mozart mang tính chất “Party”, đặc biệt là nhạc kịch. Ở đó xuất hiện những tình tiết giống như sự kiện văn hóa tổ chức trong không gian “mở” với sự tham gia của người thưởng thức. Ở châu Á, có những nền văn hóa đề cao mối quan hệ giữa người biểu diễn và thưởng thức, như Ấn Độ. Ở âm nhạc cổ truyền Ấn Độ, người ta có thể cảm nhận không khí buổi biểu diễn qua mức độ tham gia của người thưởng thức. Người thưởng thức đến với buổi biểu diễn, tham gia một cách chủ động, tích cực, đầy nhiệt tình tạo nên không khí kỳ ảo, sinh động, đầy tính sáng tạo. Một trong những hình thức đơn giản, phổ biến nhất là đếm nhịp qua động tác ngón tay, vỗ tay hay đếm. Qua đó giúp gia tăng mức độ tham gia của người thưởng thức, nâng cao tính tương tác giữa người biểu diễn và người thưởng thức, đồng thời hun đúc nên tố chất thẩm mỹ cho cả cộng đồng.

Sáng tạo, biểu diễn, thưởng thức nghệ thuật vốn thuộc về số đông, sau này có xu hướng thuộc về số ít, rồi nâng cấp lên thành chuyên biệt. Trong dòng chảy liên tục của lịch sử, điều này thực sự chưa thể khẳng định là một bước tiến hay sự thụt lùi! Người thưởng thức đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động nghệ thuật, cho đến thời điểm hiện tại, từ giáo dục cho đến môi trường văn hóa, hoạt động nâng cao trình độ thẩm mỹ của người thưởng thức nói chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Giáo dục thẩm mỹ nhằm bồi dưỡng, nâng cao tâm hồn, thế giới tinh thần bên trong con người. Công tác tâm hồn này đòi hỏi phải được chăm sóc, giáo dục dài lâu, ngay từ năm tháng đầu đời thuộc về gia đình cho đến nhà trường, sau này là cả cộng đồng văn hóa.

Thị trường đem đến chiến thắng vinh quang cho người thưởng thức. Sản phẩm nào thu phục được càng nhiều người càng đem đến vẻ vang, đi kèm với nó là lợi ích. Chiến thắng của đám đông trở thành công thức cho các hoạt động nghệ thuật đại chúng. Bản thân khái niệm đại chúng đã chỉ ra mục đích, tính chất của loại hình nghệ thuật mà nó tác động. Từ tính chất hội nhập của người thưởng thức thể hiện mức độ tham gia của họ trong quá trình sáng tạo - biểu diễn nghệ thuật. Qua đó, ta có thể ráp nối các mối vốn liên quan với nhau, nhưng đã bị chia tách theo tư duy tuyến tính giữa sáng tạo – biểu diễn – thưởng thức nghệ thuật vào với nhau. Sự thịnh suy của một loại hình nghệ thuật xét cho cùng cũng nảy sinh từ mối quan hệ đó, đồng thời ảnh hưởng đến từng khâu trong chuỗi mắt xích. Để làm tốt công tác bảo tồn di sản, bên cạnh mỗi loại hình nghệ thuật luôn có sự hiện hữu của người thưởng thức.

Ngày nay, chúng ta coi nghệ thuật như một loại hình nghệ thuật trình diễn thuần túy theo hướng thưởng thức hoặc tiêu khiển. Khi tiếp xúc với nghệ thuật bằng tư duy tiêu dùng, tiêu khiển, việc thỏa mãn nhu cầu thì tiêu dùng, bằng không sẽ quay lưng. Đó chính là lý do khiến cho nhiều dạng thức nghệ thuật bị đứt gãy trong thực tại văn hóa. Lịch sử cho thấy, sự đứt gãy của một loại hình nghệ thuật chưa chắc đã xuất phát từ bản thân, càng chưa hẳn chịu tác động trước quy luật đào thải hay còn gọi là “chọn lọc tự nhiên”. Nếu có tư duy bao dung về văn hóa để nhìn về quá khứ, sự đứt gãy của nhiều dạng thức nghệ thuật trong từng thời đoạn lịch sử đa số đều liên quan đến người thưởng thức. Vai trò của người thưởng thức nằm cuối cùng trong chuỗi sáng tạo – biểu diễn – thưởng thức, nhưng quyết định sự thịnh suy của nghệ thuật. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác đem đến tình trạng đứt gãy thói quen thưởng thức trong không gian văn hóa, thời gian lịch sử, nhưng, chỉ riêng người thưởng thức, khán thính giả thôi đã đủ làm nên thực trạng của từng loại hình nghệ thuật. Cải lương là một ví dụ điển hình trong hành trình văn hóa đất nước, đi từ quá khứ tới hiện tại ngót hơn 100 năm, loại hình nghệ thuật này đã trải qua thời kỳ hoàng kim vào thập niên 1960, rồi suy tàn vào đầu thế kỷ 21. Những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm phục hồi loại hình ca kịch này, nhưng một trong những nút thắt vô cùng quan trọng cần tháo gỡ, đó chính là khán thính giả.

Trên thực tế, để khai thác tốt tiềm năng của khán thính giả chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục và kết thúc trong văn hóa. Giáo dục không chỉ tập trung vào học đường hoặc hình thức giáo dục bắt buộc như từng áp dụng thí điểm ở một số cơ sở giáo dục mà phải đầu tư thiết kế nhiều mô hình đa dạng, linh hoạt, sáng tạo nhằm biến môi trường văn hóa, đặc biệt là các thiết chế văn hóa thành một trường học lớn, qua đó tác động vào xã hội. Cả nước có những đại bản doanh, như Khu phố văn hóa, Làng văn hóa, Ấp, Thôn, Xóm… văn hóa, nhưng nhìn vào nội dung sinh hoạt ở những nơi đó không khỏi thấy xót xa về tình trạng nghèo nàn trong sinh hoạt. Nếu lồng ghép nội dung giáo dục âm nhạc vào sinh hoạt văn hóa, tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, thực hành âm nhạc… sẽ giúp trình độ thưởng thức, thẩm mỹ đại chúng nâng cao, khi sự tham gia của người thưởng thức được khuyến khích, chẳng lẽ nào lại quay lưng với di sản truyền thống? Xây dựng thói quen trong sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt vai trò của người thưởng thức được đặt trong chỉnh thể mối quan hệ hữu cơ giữa sáng tạo – biểu diễn và thưởng thức, đời sống âm nhạc mới thực sự cải thiện, tạo nên bước đột phá trong sinh hoạt văn hóa.

Nguồn: https://hoinhacsi.vn/